Bệnh trùng quả dưa (ICHTHYOPHTHYRIUSIS)

Tác nhân gây bệnh:

Tác nhân gây bệnh trùng quả dưa là loài Ichthyophthyrius multifiliis Fouguet, 1876 thuộc họ Ichthyophthyriidae Fouquet, 1876. Trùng có dạng rất giống quả dưa, đường kính 0,5-1 mm. Toàn thân có nhiều lông tơ nhỏ, nhiều đường sọc, vằn dọc. Giữa thân có 1 nhân lớn hình móng ngựa và một nhân nhỏ. Miệng ở phần trước 1/3 cơ thể, hình gần giống cái tai. Một không bào co rút nằm ngay bên cạnh miệng. Trùng mềm mại, có thể biến đổi hình dạng khi vận động, ở trong nước, ấu trùng bơi lội nhanh hơn trùng trưởng thành (hình 9).

Hình 9: Trùng quả dưa- Ichthyophthyrius (hình trùng sống, theo Bùi Quang Tề, 2007)

Hình 9: Trùng quả dưa- Ichthyophthyrius (hình trùng sống, theo Bùi Quang Tề, 2007)

Dấu hiệu bệnh lý:

Da, mang, vây của cá bị nhiễm bệnh có nhiều trùng bám thành các hạt lấm tấm rất nhỏ, màu hơi trắng đục (đốm trắng), có thể thấy rõ bằng mắt thường. Da, mang cá có nhiều nhớt, màu sắc nhợt nhạt (hình 51).

Cá bệnh nổi từng đàn lên mặt nước, bơi lờ đờ yếu ớt. Lúc đầu cá tập trung gần bờ, nơi có cỏ rác, quẫy nhiều do ngứa ngáy. Trùng bám nhiều ở mang, phá hoại biểu mô mang làm cá ngạt thở. Khi cá yếu quá chỉ còn ngoi đầu lên để thở, đuôi bất động cắm xuống nước.    

Bệnh gây ảnh hưởng đến chức năng sinh lý, sinh hoá của cá. Protein trong huyết thanh giảm tới 2,5 lần, hoạt động của gan, thận bị rối loạn, lượng tích luỹ protein bị giảm, ảnh hưởng quá trình trao đổi axit amin. Thành phần máu cũng bị thay đổi: lượng hồng cầu của cá chép con giảm 2-3 lần, bạch cầu tăng quá nhiều, đặc biệt là máu ngoại biên – lượng bạch cầu có thể tăng tới 20 lần (theo Golovina,1978).

Hình 10: Trùng quả dưa ký sinh trong mang (theo Bùi Quang Tề và CTV, 2007)

Hình 10: Trùng quả dưa ký sinh trong mang (theo Bùi Quang Tề và CTV, 2007)

Phân bố và lan truyền bệnh:

Bệnh lưu hành rất rộng, khắp các Châu lục trên thế giới. ở khu vực Đông Nam á, các loài cá nuôi thường mắc bệnh này. Việt Nam đã phát hiện thấy trùng quả dưa ở cá da trơn: Cá Tra nuôi, Cá Trê, Cá Nheo, Cá Trèn răng. Cá Trê, Cá Tra, Cá Ba sa ở giai đoạn cá giống thường gặp trùng qủa dưa gây bệnh làm cá chết hàng loạt (theo Bùi Quang Tề, 2001).

Miền Bắc bệnh thường xuất hiện vào đầu mùa xuân và mùa đông, miền Nam – mùa thu

Phòng và trị bệnh:

Phòng bệnh, tuyệt đối không nên thả chung cá bị bệnh với cá khoẻ. Tẩy dọn ao kỹ, phơi đáy ao 3-4 ngày diệt bào tử ở đáy ao. Trước khi thả nếu kiểm tra thấy cá có trùng cần xử lý ngay bằng thuốc.

Trị bệnh trùng quả dưa cần chú ý đến 2 giai đoạn trong chu kỳ sống của nó. Diệt trùng ở thời kỳ ấu trùng bơi lội tự do thuộc giai đoạn bào nang dễ dàng hơn so với giai đoạn dinh dưỡng (ký sinh). Phương pháp dùng thuốc diệt hết trùng ở giai đoạn ký sinh của cá cần ít nhất vài lần. Các phương pháp trị bệnh trùng quả dưa đều phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường nên phải thí nghiệm để lựa chọn phù hợp với từng vùng.

Thuốc và hoá chất dùng điều trị bệnh này rất đa dạng. Nhiều tác giả ở các nước khác nhau đã xử lý đạt kết quả ở những mức độ khác nhau. ở Việt Nam đã sử dụng có kết quả một số loại hoá chất như sau:

– Dùng Formalin tắm với nồng độ 200-250 ppm (200-250 ml/m3) thời gian 30-60 phút hoặc phun xuống ao 20-25 ppm(20-25 ml/m3) mỗi tuần phun 2 lần.

– Dùng thuốc thảo dược cao cấp Ekvarin Nano:

  • Cá giống dùng phương pháp tắm thời gian 1 giờ, nồng độ 20-25 ppm (20-25ml/m3).
  • Cho cá ăn thuốc trộn với thức ăn viên. Cho cá ăn liên tục từ 5-7 ngày, liều lượng 0,1ml/1 kg cá/ngày

TS. Bùi Quang Thắng

One thought on “Bệnh trùng quả dưa (ICHTHYOPHTHYRIUSIS)

  1. Pingback: Bệnh thường gặp của cá Tra nuôi theo mùa - Bùi Quang Tề

Comments are closed.