Tác nhân gây bệnh:
Họ trùng bánh xe Trichodinidae có nhiều giống, nh,ưng ở trắm cỏ thường gặp các loài thuộc giống: Trichodina ehrenberg,1830, Trichodinella Sramek -Husek,1953, ký sinh ở da và mang. Những giống loài thường gặp ở cá da trơn: Trichodina nigra, Trichodina acuta, Trichodina gasterostei, Trichodina siluri, Tripartiella obtusa, Tripartiella bulbosa, Tripartiella lota (hình 11, 12).
Hình 11: Một số loài trùng bánh xe thường gặp ở cá da trơn: 1- Trichodina nigra; 2– T. acuta; 3- Trichodina gasterostei; 4- Tripartiella obtusa; 5- Tripartiella bulbosa; 6- Tripartiella lota
Hình 12: Trùng bánh xe Trichodina siluri ký sinh trên da, mang Cá Tra hương
Dấu hiệu bệnh lý:
Khi mới mắc bệnh, trên thân cá có nhiều nhớt màu hơi trắng đục, ở dưới nước thấy rõ hơn so với khi bắt cá lên cạn. Da cá chuyển màu xám, cá cảm thấy ngứa ngáy, thường nổi từng đàn lên mặt nước. Một số con tách đàn bơi quanh bờ ao. Khi bệnh nặng trùng ký sinh ở mang, phá huỷ các tơ mang khiến cá bị ngạt thở, những con bệnh nặng mang đầy nhớt và bạc trắng. Cá bơi lội lung tung không định hướng. Sau hết cá lật bụng mấy vòng, chìm xuống đáy ao và chết. Người nuôi cá giống còn gọi bệnh này là bệnh “trái”, vì sau mấy hôm trời âm u không nắng, nhiệt độ mát mẻ, trùng bánh xe sinh sản nhanh chóng gây thành bệnh làm cá chết hàng loạt. Đàn bị bệnh nhẹ thì gầy yếu, nếu không xử lý trị bệnh kịp thời cá sẽ chết nhiều. Khi kiểm tra tỷ lệ nhiễm của đàn, nếu tỷ lệ nhiễm 90-100%, cường độ nhiễm 20-30 trùng/ thị trường 9 x 10 là nguy hiểm. Đàn cá phát bệnh khi cường độ nhiễm 50-100 trùng/ thị trường 9 x 10. Bệnh nặng cường độ nhiễm có khi tới 200-250 trùng/ thị trường 9 x 10, trùng bám dày đặc trên da, vây và mang cá.
Hình 13: A- Trùng bánh xe bám trên mang Cá Tra giống (X 400); B- Trùng bánh xe bám dày đặc trên vây Cá Tra hương (X 100)
Phân bố và lan truyền bệnh:
Trùng bánh xe phân bố rộng. Theo Hà Ký và Bùi Quang Tề bệnh này gây tác hại chủ yếu cho cá hương cá giống ở Việt Nam. Bệnh phát sinh rộng trên nhiều loài cá khác nhau, cá da trơn: Cá Tra, Cá Trê, Cá Lăng, Cá Nheo,… Trong các ao ương Cá Tra hương (20-25 ngày tuổi) bệnh trùng bánh xe đã ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá, nhiều ao ương tỷ lệ sống chỉ đạt 20-25%. Bệnh phát triển quanh năm nhưng phổ biến nhất vào mùa xuân, đầu hạ và mùa thu ở miền Bắc, vào mùa mưa ở miền Nam (mùa khô ít gặp hơn).
Phòng và trị bệnh:
Biện pháp tốt nhất phòng bệnh trùng bánh xe là giữ gìn vệ sinh cho các ao hồ nuôi cá, nhất là ao ương. Trước khi ương nuôi phải tẩy vôi, tiêu độc ao. Mật độ cá không nên thả quá dày.
ở Việt Nam thường dùng một số phương pháp đơn giản và hoá chất dễ kiếm: Dùng nước muối NaCl 2-3% tắm cho cá 5-15 phút, dùng CuSO4 nồng độ 3-5 ppm tắm cho cá 5-15 phút hoặc phun trực tiếp xuống ao với nồng độ 0,5-0,7 ppm (0,5-0,7g cho 1 m3 nước). Dùng Formalin tắm với nồng độ 200-250 ppm (200-250 ml/m3) thời gian 30-60 phút hoặc phun xuống ao 20-25 ppm(20-25 ml/m3).
TS. Bùi Quang Tề
Pingback: Bệnh thường gặp của cá Tra nuôi theo mùa - Bùi Quang Tề
Pingback: Bệnh thường gặp của cá Trắm cỏ nuôi theo mùa - Bùi Quang Tề