Bệnh sán lá đơn chủ đẻ trứng – ANCYROCEPHALOSIS

Tác nhân gây bệnh:

Bộ Dactylogyridea Bychowsky, 1937

Họ Ancyrocephalidae Bychowsky, 1937
Giống Thaparocleidus Jain, 1952 (hình 56A,B,C,D,F,G,H,I)
Giống Bychowskyella Achmerov, 1952
Giống Cornudiscoides Kulkarni, 1969

Sán lá đơn chủ thuộc họ Ancyrocephalidae có đặc điểm chung của bộ Dactylogyridea.

Cơ thể của họ sán Ancyrocephalidae nói chung rất nhỏ, dài, (chiều dài khoảng 0,2-0,9mm) lúc còn nhỏ có màu trắng nhạt và vận động rất hoạt bát. Mỗi khi vận động, cơ thể vươn dài ra phía trước, sau đó cơ thể rút ngắn, kéo cả phần sau lại, lấy phần sau làm trụ rồi vươn dài ra phía trước, lúc này ở phía trước lộ rõ 4 thuỳ đầu trong đó có 4 đôi tuyến đầu tiết chất nhờn phá hoại tổ chức tạo điều kiện cho sán bám lên mang cá. Phía trước có 4 điểm mắt do các đám tế bào sắc tố tạo thành tác dụng cảm giác ánh sáng.

Phía sau cơ thể có đĩa bám, chính giữa đĩa bám có hai đôi móc giữa, mỗi đôi móc giữa nối với nhau bởi màng nối, xung quanh đĩa bám có 7 đôi móc rìa. Kích thước hình dạng các móc, màng nối giữa các móc giữa là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để phân biệt các giống loài của họ Ancyrocephalidae.

Một số giống Thaparocleidus, Cornudiscoides, Ancyrocephalus, Bychowskyella, Quadriacanthus… thường ký sinh trên cá da trơn

Dấu hiệu bệnh lý.

Các loài sán lá đơn chủ thuộc họ Ancyrocephalidae thường ký sinh trên da và mang của cá nhưng chủ yếu là mang (hình 57). Lúc ký sinh chúng dùng móc của đĩa bám sau bám vào tổ chức tuyến đầu tiết ra men hialuronidaza phá hoại tế bào tổ chức mang và da cá làm cho mang và da cá tiết ra nhiều dịch nhờn ảnh hưởng đến hô hấp cá. Tổ chức da và mang bị sán ký sinh viêm loét tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm và một số sinh vật xâm nhập gây bệnh.

Có trường hợp sán ký sinh không những gây viêm nhiễm làm cho tổ chức tế bào sưng to mà xương nắp mang cũng phồng lên. Cá bị bệnh bơi lội chậm chạp, cơ thể thiếu máu, cá gầy yếu.

SÁN LÁ ĐƠN CHỦ ĐẺ TRỨNG– ANCYROCEPHALOSIS
Hình 14: Hình dạng tổng quát của một số sán lá đơn chủ thuộc họ Ancyrocephalidae: A,B,C,D- Thaparocleidus spp ký sinh ở các loài cá thuộc họ cá tra (Pangasidae); E F,G,H- Đĩa bám của các loài Thaparoceidus spp;

Hình 15: Thaparocleidus sp ký sinh ở mang Cá Tra (theo Bùi Quang Tề, 2005)
Hình 15: Thaparocleidus sp ký sinh ở mang Cá Tra (theo Bùi Quang Tề, 2005)

Phân bố và lan truyền bệnh.

Các loài sán đơn chủ thuộc họ Ancyrocephalidae có tính đặc hữu như bộ Dactylogyridea. ở Việt Nam đã phát hiện gần 40 loài thuộc 10 giống của họ Ancyrophalidae ký sinh ở cá nước ngọt thuộc các họ cá da trơn: Siluridae, Bagridae, Clariidae, Plotosidae, Pangasiidae. Mức độ cảm nhiễm của các loài cá khá cao, tỷ lệ cảm nhiễm từ 30-60%. Sán lá đơn chủ gây tác hại chủ yếu ở giai đoạn cá giống. Mùa xuất hiện bệnh: mùa xuân, thu ở miền Bắc và mùa mưa ở miền Nam.

Phòng trị bệnh:

Trước khi thả cá xuống ao ương, nuôi, cần tẩy dọn ao, tiêu diệt trứng và ấu trùng sán lá 16 móc. Cá thả không nên quá dày, thường xuyên theo dõi chế độ ăn và điều kiện môi trường ao nuôi để điều chỉnh cho thích hợp.

Cá giống trước khi thả ra ao hồ nuôi, dùng KMnO4 20 ppm tắm cho cá trong thời gian 15 -30 phút hoặc dùng NaCl 3% tắm trong 5 phút, nếu nhiệt độ trên 25 0C thì giảm xuống 2%.

Dùng formalin nồng độ 10-15 ppm (10-15ml/m3) phun trực tiếp xuống ao (chú ý tăng cường oxy hoà tan cho cá vì khi cho formalin vào nước sẽ mất oxy), hoặc tắm nồng độ 100-150 ppm (100-150ml/m3) thời gian 30-60 phút.

TS. Bùi Quang Tề

One thought on “Bệnh sán lá đơn chủ đẻ trứng – ANCYROCEPHALOSIS

  1. Pingback: Bệnh thường gặp của cá Tra nuôi theo mùa - Bùi Quang Tề

Comments are closed.