Tác nhân gây bệnh:
Giống Cucullanus Miiller, 1777
Cơ thể giun tròn Cucullanus lớn ở giữa, nhỏ dần ở hai đầu, con đực thường nhỏ hơn con cái. Miệng có xoang miệng rất nhỏ hình tam giác không có môi bằng kitin, thực quản không chia làm hai phần, ruột và thực quản không có mấu lồi. Cơ quan sinh dục phân tính, con đực có một tinh hoàn hình sợi, tiếp theo là ống dẫn tinh kích thước lớn hơn một chút, kế đến là ống chứa tinh, phần cuối của cơ quan giao cấu có hai móc giao cấu kích thước và hình dạng giống nhau, móc giao cấu có thể nhô ra ngoài khi giao phối. Trước và sau hậu môn có các mấu nhú thường từ 2 -5 đôi.
Phần đuôi có nếp gấp, con cái có hai buồng trứng, hai ống dẫn trứng đến đoạn cuối hợp làm 1 và thông ra ngoài bằng lỗ sinh dục ở giữa cơ thể. Kích thước của Cucullanus thay đổi theo loài và giống đực cái. Cucullanus đẻ trứng.
Cucullanus chabaudi Le Van Hoa et Pham Ngoc Khue, 1967 (hình 14 A,B):
Con đực: chiều dài thân 8-11,3 mm, chiều rộng 0,37-0,42 mm. Chiều dài thực quản 1,322-1,392 mm. Gai giao cấu dài 0,468 mm.
Con cái: Chiều dài thân 13-16 mm, chiều rộng 0,42-0,46 mm. Thực quản dài 1,276-1,392 mm. Đuôi dài 0,30 mm.
Dấu hiệu bệnh lý:
Không có dấu hiệu bệnh lý rõ ràng. Tác hại chủ yếu ảnh hưởng đến sinh trưởng. Giun tròn (Cucullanus chabaudi) ký sinh trong thành ống dẫn mật của cá tra (hình 14 C,D) làm tắc ống dẫn mật, gây ảnh hưởng đến tiết dịch mật của cá. Cá bệnh nặng chuyển màu vàng (hình 15)
Hình 14: giun tròn Cucullanus chabaudi (A- cuối phía trước cơ thể; B- cuối phía sau cơ thể; C,D- cuống mật cá tra bị viêm do giun tròn ký sinh (è) (theo Bùi Quang Tề, 2001)
Hình 15: Cá Tra nhiễm giun tròn Cucullanus chabaudi ở cuống mật sưng to, thân, vây cá chuyển màu vàng.
Phân bố và lan truyền bệnh:
Giun tròn (Cucullanus spp) ký sinh trong ruột hoặc ống mật Cá Tra, Cá Ba sa,… (theo Hà Ký và Bùi Quang Tề, 2007)
Phòng và trị bệnh:
– Tiến hành phương pháp phòng trị chung, chủ yếu dùng vôi tẩy ao, tiêu diệt trứng, ấu trùng của giun tròn Cucullanus
– Dùng Levamisol 10%: định kỳ ba tháng một lần tẩy giun tròn cho Cá Ba sa và Cá Tra, liều lượng 25-30mg/kg cá/ngày (Bùi Quang Tề, 2003)
TS. Bùi Quang Tề
Pingback: Bệnh thường gặp của cá Tra nuôi theo mùa - Bùi Quang Tề