Tác nhân gây bệnh:
Edwardsiella thuộc họ Enterobacteriaceae, bộ Enterobacteriales, lớp Gammaproteobacteria, ngành Proteobacteria. Chúng có đặc điểm gram âm, hình que mảnh, kích thước 1 x 2-3 mm, không sinh bào tử, chuyển động nhờ vành tiêm mao. Thường gặp hai loài: E. tarda và E. ictaluri.
E. tarda là tác nhân gây bệnh nhiễm khuẩn ở cá nước ấm, đặc biệt là cá không vẩy. E. ictaluri gây bệnh nhiễm khuẩn trong các cơ quan nôi tạng gan, tụy, thận của cá không vẩy. Loài E. tarda hầu hết không lên men các loại đường nhưng có một vài chủng lên men đường khá nhanh.
Dấu hiệu bệnh lý:
Cá bị bệnh kém ăn hoặc bỏ ăn, gầy yếu, xung quanh miệng có các đám xuất huyết, gốc vây xuất huyết, mắt lồi (hình 3).
Giải phẫu cơ quan nội tạng gan, lá lạch, thận bị hoại tử thành những đốm màu trắng đục đường kính 0,5-2,5mm (hình 4, 5, 6A,B), còn gọi là “bệnh đốm trắng”. Nhân tế bào của gan, thận, lá lách hoại tử hoặc kết đặc (hình 6C.D)
Hình 3: Cá Tra bị bệnh đốm trắng, trên thân xuất huyết dưới da (mẫu thu tại An Giang, 2006)
Hình 4: Cá Tra giống bị bệnh hoại tử cơ quan nội tạng: trên gan, lá lách có đốm trắng (mẫu thu tại Đồng Tháp, 3/2008)
Hình 5: Cá Tra hương bị bệnh hoại tử cơ quan nội tạng: trên gan có các đốm trắng (-->) (mẫu thu tại Viện NCNTTS 1, 2005)
Hình 6: Cá Tra bị bệnh hoại tử cơ quan nội tạng: A- trên thận có các đốm trắng (è); B- gan cá có nhiều đốm trắng (è) (mẫu thu tại An Giang, 2006); C- Nhân tế bào gan hoại tử; D- Nhân tế bào lá lách hoại tử; E, F- Nhân tế bào thận kết đặc (è) hoặc hoại tử (nhuộm gram mô gan, lá lách cá bệnh đốm trắng- mẫu thu Đồng Tháp 3/2008).
Phân bố và lan truyền bệnh:
Vi khuẩn thường gây ở động vật máu lạnh: Rắn, cá sấu, ba ba, cá…và những động vật thuỷ sản khác. Việt Nam đã phân lập được E. tarda từ Cá Trê giống; E. ictaluri từ Cá Tra, Cá Ba sa, Cá Nheo, Cá Lăng giống và cá thịt. Bệnh gây thiệt hại trong các ao nuôi cá tra hương (cỡ từ 3-5cm) đến 5-6 tháng tuổi, tỷ lệ tử vong của cá từ 60-70%, có trường hợp tới 100% (theo Bùi Quang Tề, 2006). Bệnh xuất hiện nhiều nhất vào mùa xuân, mùa thu và trong ao nuôi mật độ cao, nuôi cá lồng bè.
Phòng và trị bệnh:
+ Phòng bệnh: quan trọng nhất không để cho cá bị sốc do môi trường thay đổi xấu: nhiệt độ, oxy hoà tan, nhiễm bẩn của nước. Môi trường nước đảm bảo tốt cho đời sống của cá nuôi.
Đối với bè nuôi cá thường xuyên treo túi vôi, mùa xuất hiện bệnh 2 tuần treo một lần, mùa khác một tháng treo 1 lần. Vôi có tác dụng khử trùng và kiềm hoá môi trường nước. Lượng vôi tính trung bình 2 kg vôi nung/10m3. Bè lớn treo nhiều túi và bè nhỏ treo ít túi tập trung ở chỗ cho ăn và phía đầu nguồn nước chảy. Đối với các ao nuôi áp dụng tẩy dọn ao như phương pháp phòng tổng hợp. Cũng định kỳ mùa bệnh 2 tuần bón vôi xuống ao 1 lần, mùa khác bón 1 tháng 1 lần, liều lượng trung bình 2 kg vôi nung/100 m3 nước. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm lượng vitamin C cho vào thức ăn trước mùa bệnh hoặc dùng thuốc phối chế KN – 04 -12, của Viện NCNTTS I và Ekvarin cho cá ăn phòng bệnh, định kỳ 1 tháng cho ăn một đợ 3 ngày liên tục, liều lượng như phần trị bệnh.
+ Trị bệnh: Có thể dùng một số thảo mộc có tác dụng diệt khuẩn điều trị bệnh nhiễm khuẩn máu như sau:
+ Cá giống dùng phương pháp tắm thời gian 1 giờ.
– Ekvarin Nano nồng độ 20-25 ppm (20-25ml/m3)
+ Cho cá ăn thuốc trộn với thức ăn viên. Cho cá ăn liên tục từ 5-7 ngày.
– Thuốc KN-04-12: liều dùng 4 g/1 kg cá/ngày.
– Thuốc Ekvarin Nano: 0,1ml/1 kg cá/ngày
TS. Bùi Quang Tề
Pingback: Bệnh thường gặp của cá Tra nuôi theo mùa - Bùi Quang Tề