Bệnh MBV (bệnh còi)

Tác nhân gây bệnh:

Tác nhân gây bệnh MBV (Monodon Baculovirus) là virus type A  Baculovirus monodon, cấu trúc nhân (acid nucleoic) là ds ADN, có lớp vỏ bao, dạng hình que. Theo  J.Mari và CTV, 1993 thì chủng MBV của tôm sú từ ấn Độ Thái Bình Dương có kích thước nhân 42 ± 3 x 246 ± 15 nm, kích thước vỏ bao 75 ± 4 x 324 ± 33 nm. Chủng PMV của tôm (P.plebejus, P. monodon, P. merguiensis) từ Úc có kích thước nhân 45-52 x 260-300 nm, kích thước vỏ bao 60 x 420 nm

Dấu hiệu bệnh lý:

Khi tôm mới nhiễm virus MBV, dấu hiệu bệnh không biểu hiện rõ ràng. Khi tôm nhiễm bệnh nặng và phát bệnh thường có biểu hiện một số dấu hiệu sau:

– Tôm có màu tối hoặc xanh tái, xanh xẫm. Tôm kém ăn, hoạt động yếu và sinh trưởng chậm (chậm lớn) (hình 38).

– Các phần phụ và vỏ kitin có hiện tượng hoại tử, có nhiều sinh vật bám (ký sinh trùng đơn bào, tảo bám và vi khuẩn dạng sợi).

– Gan tuỵ teo lại có màu trắng hơi vàng, thối rất nhanh.

– Tỷ lệ chết dồn tích, cao tới 70% hoặc có thể tôm chết hầu hết trong ao

Tôm bệnh còi

Hình 1: Bệnh MBV (bệnh còi) ở tôm sú nuôi cùng một vụ(mẫu thu Hải Phòng)

Biện pháp phòng bệnh:

Phòng bệnh là chính:

+ Không dùng tôm giống có nhiễm mầm bệnh MBV.

+ Tẩy dọn ao, bể nuôi như phương pháp phòng chung.

+ Nuôi tôm đúng mùa vụ, quản lý chăm sóc tốt, cung cấp đầy đủ thức ăn về chất và lượng. Không để tôm sốc trong quá trình nuôi.

+ Kiểm dịch đàn tôm bố mẹ trước khi cho đẻ.

+ Xử lý nước bằng tầng ôzôn và các chất sát trùng có gôc clo (TCCA) trước khi ấp trứng thì có thể sản xuất được đàn tôm Postlarvae không nhiễm virus MBV.

TS. Bùi Quang Tề