Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ ngành thủy sản bên cạnh những việc làm được còn đầy rẫy những tồn tại.
Chiều 16-2 tại TP HCM, Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch xuất khẩu thủy sản năm 2019, theo đó đưa ra kế hoạch xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản năm nay lên con số 10 tỉ USD.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep, cho biết năm 2018, ngành thuỷ sản xuất khẩu (XK) được 9 tỉ USD, tăng 6% so với năm trước. Trong đó, XK cá tra tăng vượt bậc với kim ngạch đạt 2,26 tỉ USD, tăng 26%, trong khi XK tôm chỉ đạt 3,6 tỉ USD, giảm gần 8%.
Thị trường Mỹ vẫn là thị trường lớn nhập khẩu của thủy sản Việt Nam, với doanh số XK đạt hơn 1,6 tỉ USD, tăng 15%.
Hội nghị triển khai kế hoạch xuất khẩu thuỷ sản 2019
Theo ông Hòe, XK thuỷ sản năm nay có thể tăng trưởng 10%-12% do cơ hội tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khi hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước được ký kết và có hiệu lực. Ngành thủy sản Việt Nam sẽ tận dụng được các ưu đãi thuế quan để tiếp tục tăng trưởng đưa kim ngạch XK có thể hoàn thành mục tiêu 10 tỉ USD. Tuy nhiên, trước mắt phải giải quyết dứt điểm vấn đề chất kháng sinh trong sản phẩm thủy sản, kế đến phải xây dựng chiến lược phát triển nuôi hợp lý, nâng cao công nghệ chế biến.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Uỷ ban cá nước ngọt (trực thuộc Vasep), cho rằng sự thành công xuất khẩu thuỷ sản năm 2018 có thể nói là không ai có thể ngờ được, cung luôn trong tình trạng không đủ cầu. Từ tháng 6 trở đi XK liên tục tăng, giá bán cũng tăng.
Theo bà Khanh, năm nay các doanh nghiệp đang chịu nhiều thách thức như thiếu nguyên liệu trong khi nhu cầu XK tăng. Tình trạng thiếu con giống sẽ còn kéo dài đến tháng 3, tháng 4 tới, để giải quyết vấn đề này, ngành phải có giải pháp cho sinh sản trái vụ. Đồng thời, nói không với kháng sinh để có cơ hội đưa sản phẩm vào các siêu thị ở nước ngoài với giá cao.
Các doanh nghiệp cũng kêu ca về tình trạng thiếu nguyên liệu. Nguyên liệu ngày càng ít, chất lượng giảm và giá lại tăng buộc doanh nghiệp phải gia tăng nhập khẩu nguyên liệu về chế biến. Tuy nhiên việc nhập khẩu nguyên liệu lại gặp nhiều khó khăn như cùng một lô hàng nhưng bị cơ quan chức năng kiểm tra nhiều lần, thủ tục hải quan nhiêu khê dẫn đến thời gian kéo dài.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá kết quả XK 2018 hết sức có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với ngành thủy sản, tạo tiền đề phát triển cho thời gian tới. Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm được còn đầy rẫy những tồn tại như phải nhập nguyên liệu, hao hụt trong nuôi quá lớn. “Phải nhìn rõ những tồn tại ở từng khu vực, tổ chức thị trường. Cần đồng hành từ ba trục: chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Không chủ quan, phải đoàn kết hơn nữa, trách nhiệm rõ ràng. Phải thấy được nông dân tươi cười mới là hạnh phúc” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngành tôm sẽ còn khó khăn
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thuận Phước, cảnh báo hàng thủy sản tồn kho nhiều ở các nước do thời tiết lạnh nên sức tiêu thụ chậm. Do đó, nhu cầu tiêu thụ năm nay sẽ không cao đối với con tôm. Mặt hàng tôm còn bị cạnh tranh mạnh với tôm Ấn Độ do nước này tổ chức nuôi lớn có khả năng XK cả trăm ngàn tấn. Tôm nguyên liệu Ấn Độ rẻ hơn Việt Nam từ 1-3 USD/kg. Nuôi tôm ở Việt Nam chỉ đạt tỉ lệ sống khoảng 40%, so với các nước là 70%. Giá con giống, thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam cũng cao hơn Ấn Độ từ 20%-50%. Ngoài ra, đồng USD có xu hướng tăng giá cũng ảnh hưởng đến XK.